Mở cửa: Từ 8:00 đến 20:30 (Tất cả các ngày trong tuần)

Giới thiệu

Giới thiệu

Hoa hay bông là một chồi rút ngắn mang những lá biến thái làm chức năng sinh sản. Là bộ phận chứa cơ quan sinh sản, đặc trưng của thực vật có hoa. Về mặt cấu trúc thực vật học, hoa là một dạng cành đặc biệt. Khi còn non hoa là cơ quan sinh sản vô tính.

Cấu tạo đầy đủ lý tưởng của hoa bao gồm: cuống hoa, lá bắc, đài hoa (lá đài), tràng hoa (cánh hoa), bộ nhị, bộ nhụy.

Một bông hoa điển hình bao gồm 4 loại cấu trúc gắn vào đỉnh của một cuống ngắn. Mỗi loại cấu trúc này được sắp xếp thành vòng trên đế hoa. Bốn vòng chính tính từ gốc (móng) của hoa hay mấu thấp nhất và tính dần lên trên là:

Đài hoa: vòng ngoài cùng nhất, bao gồm các thành phần đơn vị gọi là lá đài; chúng thường có màu xanh và bao bọc phần còn lại của hoa khi ở trong nụ. Tuy nhiên, các lá đài này có thể không có hoặc dễ thấy và sặc sỡ nổi bật như các cánh hoa ở một số loài.

  • Tràng hoa: vòng kế tiếp tính về phía đỉnh, bao gồm các thành phần đơn vị gọi là cánh hoa, chúng thường mỏng, mềm và có màu sắc sặc sỡ để thu hút động vật giúp chúng thụ phấn.
  • Bộ nhị: vòng kế tiếp (đôi khi sắp xếp thành vài vòng), bao gồm các thành phần đơn vị gọi là nhị hoa. Nhị hoa bao gồm 2 phần: một cuống nhỏ gọi là chỉ nhị, trên đầu của chỉ nhị là bao phấn, trong đó sinh ra phấn hoa nhờ phân bào giảm nhiễm để cuối cùng phát tán đi.
  • Bộ nhụy: vòng trong cùng nhất của hoa, bao gồm một hay vài đơn vị thành phần gọi là lá noãn. Lá noãn hay các lá noãn hợp lại thành một cấu trúc rỗng, gọi là bầu nhụy, bên trong nó sinh sản ra các noãn. Noãn là các túi đại bào tử và tới lượt chúng, chúng sinh ra các đại bào tử nhờ phân bào giảm nhiễm để phát triển thành các thể giao tử cái. Chúng tạo ra các tế bào trứng. Bộ nhụy của hoa cũng được miêu tả bằng cách sử dụng một thuật ngữ thay thế là cấu trúc mà người ta nhìn thấy ở vòng trong cùng nhất (bao gồm một bầu nhụy, vòi nhụy và đầu nhụy), gọi là nhụy hoa. Một nhụy có thể bao gồm một lá noãn hay vài lá noãn hợp lại cùng nhau. Phần đỉnh dính của nhụy gọi là đầu nhụy, nơi tiếp nhận phấn hoa. Một cuống hỗ trợ nâng đỡ gọi là vòi nhụy, trở thành con đường cho các ống phấn phát triển từ các hạt phấn hoa bám vào đầu nhụy.

Mặc dù sự sắp xếp trên đây được coi là "điển hình", nhưng trong thực tế các loài thực vật thể hiện sự biến đổi rộng trong cấu trúc hoa. Các biến đổi này có tầm quan trọng trong tiến hóa của thực vật hạt kín và được các nhà thực vật học tích cực sử dụng trong việc xác định và thiết lập các mối quan hệ giữa các loài thực vật.

Nốn bộ phận chính của hoa nói chung được định nghĩa theo vị trí của chúng trên đế hoa, chứ không phải theo chức năng của chúng. Nhiều loài với hoa thiếu một số bộ phận hay các bộ phận có thể biến đổi thành các chức năng khác hoặc trông giống như bề ngoài điển hình của một bộ phận khác. Ở một số họ, như Ranunculaceae, các cánh hoa bị tiêu giảm nhiều và ở nhiều loài thì các lá đài có màu sắc sặc sỡ, trông giống như các cánh hoa. Một số loài khác lại có các nhị hoa biến đổi trông giống như cánh hoa, các dạng hoa kép của mẫu đơn và hoa hồng chủ yếu là các nhị dạng cánh hoa[1].

Người ta sử dụng một số thuật ngữ chuyên biệt để miêu tả hoa và các bộ phận của nó. Nhiều bộ phận của hoa hợp lại cùng nhau; các phần hợp lại từ cùng một vòng gọi là hợp trước, trong khi các phần hợp lại có nguồn gốc từ các vòng khác nhau chỉ gọi là hợp sinh, các phần không hợp lại gọi là rời hay tự do. Khi các cánh hoa hợp lại thành một ống hay một vòng nhìn như một đơn vị duy nhất thì chúng được gọi là cánh hoa hợp. Các cánh hoa hợp có thể có các khu vực khác biệt: phần gốc hình trụ là ống, khu vực mở rộng là họng và phần tỏa ra phía ngoài là phiến cánh hoa. Hoa cánh hợp, với sự đối xứng hai bên với một môi trên và một môi dưới, được gọi là hai môi. Các hoa với cánh hoa hợp hay lá đài hợp có thể có tràng hoa hay đài hoa với hình dạng khác nhau, bao gồm các dạng như: dạng chuông, dạng phễu, dạng ống, hình nhạc, dạng đĩa cao chân hay dạng bánh xe.

Nhiều loại hoa có sự đối xứng, nếu như từ bất kỳ điểm nào mà bao hoa vẫn được chia đôi theo trục trung tâm thì các nửa đối xứng được tạo ra — khi đó hoa được gọi là đều (cân đối) hay đối xứng tỏa tia, như ở hoa hồng (Rosa) hay cỏ duyên linh (Trillium). Khi hoa được chia đôi và tạo ra chỉ một đường để có các nửa đối xứng thì hoa được gọi là không đều hay đối xứng hai bên, như hoa của hoa mõm chó (Antirrhinum) hay phần lớn các loài lan.

Các hoa có thể gắn trực tiếp vào cành cây tại phần gốc của chúng (không cuống - phần cuống hỗ trợ bị tiêu giảm mạnh hay không có). Phần thân hay cuống nâng đỡ mọt hoa gọi là cuống hoa. Nếu một cuống nâng đỡ cho nhiều hơn một hoa, thì các phần thân nối mỗi hoa với trục chính gọi là cuống nhỏ. Phần đỉnh của mỗi đoạn thân ra hoa tạo thành một phần phồng lên ở tận cùng, gọi là đế hoa.